Trong một báo cáo gần đây của công ty nghiên cứu thị trường Decision Lab thực hiện phỏng vấn trực tuyến với hơn 750,000 người trẻ tại Việt Nam, có những yếu tố ảnh hưởng lớn đến hành vi tiếp nhận thông tin của thế hệ Gen Z: 70% trong số họ vẫn duy trì thói quen xem truyền hình truyền thống, 77% có thực hiện xem trên các ứng dụng như Netflix hay YouTube.
Một trong những lý do thế hệ Z vẫn có tỷ lệ xem truyền hình truyền thống khá cao là các trường hợp sống cùng với gia đình; tuy nhiên trong số đó, 88% đáp viên thực hiện cùng lúc giữa xem thông tin đa kênh và xem truyền hình.
Người trẻ hiện nay có nhu cầu làm việc đa nhiệm tại một thời điểm, mắt có thể “lướt” smartphone và tai vẫn tiếp nhận thông tin từ truyền hình truyền thống. Hiển nhiên việc giữ những người trẻ này ở lại lâu hơn với thông tin là điều không hề dễ dàng. Họ có khả năng tiếp nhận các thông tin qua các kênh truyền hình trực tuyến trong một thời gian ngắn, đồng thời cũng nhanh chóng loại bỏ nội dung quảng cáo không đánh trúng tâm lý họ.
Cũng theo báo cáo này của Decision Lab, 53% các bạn thuộc thế hệ Z sẵn sàng chặn hoặc không tương tác với quảng cáo. Đây cũng chính điểm lưu ý cho các đơn vị, nhãn hàng khi sản xuất video quảng cáo.
Quý I/2020 tại Việt Nam, nền tảng video giải trí TikTok có biên độ tăng trưởng khá cao, từ 15% lên 20% so với cùng kỳ năm trước. Đóng góp cho mức tăng trưởng này không ai khác – thế hệ Z chiếm 32% (trong khi thế hệ Y là 22% và X là 6%). Một thống kê cũng khá thú vị của nhóm này chính là thói quen tương tác công nghệ. Trung bình một bạn trẻ từ 15 tuổi trở lên tải và sử dụng thường xuyên ở mức 4.3 ứng dụng trên thiết bị điện thoại thông minh của mình, trong khi thế hệ Y là 3.8 và thế hệ X là 3.07.
Và cũng không lấy làm ngạc nhiên khi nhóm đối tượng này là nhóm thiếu kiên nhẫn nhất: 68% sẵn sàng loại bỏ ứng dụng nếu trải nghiệm họ nhận được không tốt ở lần đầu tiên sử dụng. Chính từ việc nắm được các thói quen của nhóm đối tượng trẻ này mà hiện tại nhiều doanh nghiệp xác định họ hứa hẹn sẽ trở thành lứa tiêu dùng của tương lai, khi họ thực sự bước vào giai đoạn kiếm ra tiền.
Tuy nhiên để chiếm được cảm tình của Gen Z, ngoài chất lượng dịch vụ tốt, sản phẩm bắt mắt, ấn tượng… các doanh nghiệp phải thực sự lắng nghe phản hồi của họ để xử lý kịp thời. Bởi nếu không rất dễ sa lầy vào những tranh cãi và phản biện gay gắt trên mạng xã hội bởi đặc tính ưa thích trend (xu hướng) và sự thiếu kiên nhẫn của họ.
Thế hệ Z là những người sinh ra trong giai đoạn 1997-2010, chiếm 14,4 triệu người trong 100 triệu dân số Việt Nam. Đặc tính nổi bật của nhóm người trẻ này đó là niềm đam mê công nghệ. Hầu hết Gen Z đều đam mê và theo đuổi công nghệ nên họ chính là đối tượng bắt nhịp với các xu hướng thế giới rất nhanh, cũng qua đó tạo ra những xu thế mới (Trendsetter). Đây cũng chính là nhóm đối tượng lao động trẻ đang bước vào giai đoạn tuổi lao động tại Việt Nam.