Làm gì mùa dịch: Nâng cấp Web/ App, chuyển dịch Digital Commerce

Giữa mùa dịch này, doanh nghiệp nào cũng có khó khăn riêng. Có những ngành hàng gần như biến mất tạm thời, có những ngành hàng lại phát triển mạnh vì phù hợp với nhu cầu an toàn và sức khỏe.

Theo quan điểm của Ông Nguyễn Tiến Huy, Founder & Managing Director, DigiPencil MVV.

Nhưng khó khăn về quản lý sản xuất, quản lý kinh doanh, phân phối sản phẩm đến khách hàng, là khó khăn chung. Có lẽ tất cả chúng ta đều có thể nhận thấy rằng dịch bệnh này sẽ thay đổi thế giới, kể cả sau khi nó kết thúc. Điều tôi nhận thấy rất rõ ràng là sự dịch chuyển sang môi trường số, từ giải trí đến mua sắm.

Mặc dù tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử đã rất nhanh trong vài năm qua, giờ đây, tốc độ này còn cao hơn do lệnh cách ly xã hội. Biến động này mang đến cho người dân động lực để chuyển dịch hoặc tăng tần suất sử dụng các kênh thương mại điện tử. Kết quả là thói quen sử dụng internet cho việc tìm hiểu và mua sắm sản phẩm sẽ càng tăng sau dịch. Đây là thời điểm quan trọng để các doanh nghiệp tự đánh giá lại cơ sở kinh doanh trực tuyến của mình, và lớn hơn nữa là đánh giá xem mình đang ở đâu trong mô hình số hoá thương mại.

Thực tế lịch sử cho thấy có 2 điều dẫn đến các bước thay đổi căn bản trong môi trường kinh doanh:

  1. Sự thay đổi về cơ sở hạ tầng: Khi đường xá được kết nối và hạ tầng điện, trường, trạm được xây dựng thì giao thương phát triển. Các cơ sở kinh doanh mọc lên theo các tuyến đường, trường, trạm. Tương ứng như thế, khi cơ sở hạ tầng internet phát triển, các “tuyến đường” trên internet được kết nối, các “đại lộ” như mạng xã hội, web tin tức, kênh truyền hình online, trở nên đông đúc, thì các cơ sở kinh doanh cũng mọc theo các tuyến đó
  2. Sự thay đổi do biến động xã hội: Các biến động xã hội tích cực như các trào lưu về văn hoá mới, hay các biến động tiêu cực như thiên tai, dịch bệnh, sẽ dẫn đến sự thay đổi căn bản trong gắn kết giá trị giữa các nhóm đối tượng trong xã hội. Từ đó dẫn đến thay đổi môi trường kinh doanh.

Vào năm 2016, tôi có dịp làm việc với Bộ Công Thương trong dự án chia sẻ kiến thức về thương mại điện tử tới các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó, tôi đã xây dựng một mô hình có tên là Digital Commerce (dCommerce hay còn gọi là Số hoá thương mại) đúc kết từ kinh nghiệm của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ, marketing và sales. Qua bài viết này, tôi muốn chia sẻ về một chủ đề trong mô hình dCommerce, một chủ đề tưởng chừng đơn giản vô cùng nhưng trên thực tế không có nhiều doanh nghiệp thực hiện nó bài bản: Xây dựng website/ mobile app doanh nghiệp.

Hiểu đúng về trải nghiệm người dùng và giao diện người dùng

“Tôi muốn website của mình phải động, phải có video làm background cho ấn tượng…”“tôi muốn nó phải clean & clear, flat design cho trendy…” là một trong số những yêu cầu đến từ rất nhiều khách hàng trong suốt quá trình tư vấn xây dựng website/ mobile app cho doanh nghiệp của tôi, tất nhiên nó luôn đi kèm với đôi mắt háo hức, sự nhiệt huyết của những người làm chủ doanh nghiệp với niềm tin to lớn về thứ mình đang làm. “Nhưng đó có phải thứ khách hàng anh muốn không?” – Tôi “đanh thép” hỏi lại. Và chúng tôi bắt đầu mọi thứ từ đó.

Mô hình 5 elements của Jesse James Garret viết trong quyển sách “The Elements of User Experience” mà DigiPencil đang áp dụng cũng chính là quy trình chuẩn của chúng tôi trong giai đoạn thiết kế các ứng dụng. Hãy bắt đầu từ “conception” với những câu hỏi thật chi tiết:

“Chúng ta làm website này với mục đích gì?”
“Chúng ta làm nó cho ai?”
“Họ đến từ đâu?”
“Họ cần gì?”…

Từ đó việc xác định những nội dung cần thiết, những tính năng có thể hỗ trợ cho họ, cách chúng ta sẽ bố trí sự ưu tiên thông tin ra sao và cuối cùng mới là câu chuyện lựa chọn thiết kế giao diện như thế nào cho phù hợp. Bám sát mô hình này doanh nghiệp sẽ giảm rủi ro, tiết kiệm thời gian và chi phí rất nhiều cho giai đoạn vận hành. Hàng ngày có hàng trăm, hàng ngàn website ra đời và cũng có lượng website tương ứng rơi vào tình trạng “băng giá” vì không mang lại hiệu quả gì cho doanh nghiệp.

Quy trình xây dựng & hoàn thiện

Sản xuất phần mềm nói chung và sản xuất các website cho doanh nghiệp nói riêng là một quy trình tốn nhiều bước, tuỳ vào độ lớn của dự án mà quy trình này sẽ được triển khai với nguồn lực con người khác nhau. Nó có thể xuất phát từ bộ phận kinh doanh/ marketing với những nhu cầu thay đổi liên tục về mục tiêu đến bộ phận thiết kế/ phát triển đưa ra các giải pháp công nghệ hiệu quả, cho đến cả bộ phận vận hành giúp đảm bảo hệ thống luôn trơn tru.

Dưới đây là 5 bước trong quy trình phát triển sản phẩm cho khách hàng của Pencil mà chúng tôi đang áp dụng:

Quản lý dự án

Tại Pencil, tôi cùng nhóm của mình theo đuổi phương pháp Agile (phương pháp phát triển phần mềm linh hoạt để đưa sản phẩm đến người dùng càng sớm càng tốt) với quy trình quản trị dự án SCRUM. Phương pháp này dựa trên một thực tế là tốc độ thay đổi về yêu cầu của doanh nghiệp diễn ra rất nhanh chóng. SCRUM giúp doanh nghiệp giảm bớt rủi ro cho tình huống “yêu lại từ đầu” – đập đi xây lại – một việc mà cực kỳ hao tổn nguồn lực của doanh nghiệp.

Lựa chọn nền tảng & công nghệ

Hầu hết các doanh nghiệp nhỏ luôn lựa chọn cho mình những nền tảng công nghệ phổ biến có sẵn. Điều này giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian và chi phí. Các hệ thống CMS (Content Management System) phổ biến như WordPress, Drupal… hoàn toàn có thể giúp doanh nghiệp có ngay cho mình một website giới thiệu về dịch vụ sản phẩm cung cấp, hoặc các hệ thống thương mại điện tử sẵn có như Haravan, Shopify, Magento… hoàn toàn có thể là giải pháp “mì ăn liền” hỗ trợ cho việc xây dựng kênh bán hàng riêng của mình.

Rào cản lớn nhất của những nền tảng này là khả năng mở rộng, tích hợp theo nghiệp vụ đặc thù của doanh nghiệp, đồng thời khả năng bảo mật cũng là một vấn đề cần lưu ý. Đối với các doanh nghiệp có nguồn lực tài chính, việc xây dựng một hệ thống hoàn toàn từ “scratch” để tối ưu dựa trên nghiệp vụ đặc thù của doanh nghiệp có thể được coi là chiến lược đầu tư lâu dài cho quá trình digital transformation của mình, chắc chắn những từ khóa ERPmachine learningAIbig datacloud serviceIoT là những từ khóa mà đội ngũ phát triển dự án không thể bỏ qua để có cho mình một tầm nhìn lớn trong việc xây dựng hệ thống vững bền trong thời đại dCommerce.

Tổng kết lại, hãy lưu ý các điểm trên trong quá trình đánh giá lại cơ sở hạ tầng số của doanh nghiệp và hãy thực hiện từ bây giờ để chuẩn bị cho một thói quen văn hoá mới sẽ hình thành sau dịch.

*Nguồn: Nguyễn Tiến Huy
Founder & Managing Director, DigiPencil MVV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *